Chả lụa là món ăn truyền thống của người Việt, thường xuyên xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết hay giỗ đám. Hiện nay, chả lụa được bày bán rất nhiều trên thị trường, tuy nhiên đứng trước tình trạng một số cơ sở sản xuất chả lụa kém chất lượng, hoặc chứa các chất phụ gia ảnh hưởng sức khỏe (như hàn the) đã khiến mọi người có tâm lý hoang mang, lo lắng .Chính vì vậy, cách làm chả lụa thơm ngon giòn dai tại nhà được nhiều chị em tìm kiếm để bỏ túi nhiều hơn. Ở bài viết này mình sẽ giới thiệu tới công thức cách làm chả lụa.
Nội dung chính
Nguyên liệu làm chả lụa
– Thịt nạc heo: 1kg
– Mỡ heo: 100gr
– Gia vị thêm: Tiêu, muối, đường, bột tỏi, bột hành, bột năng, nước mắm và baking soda
– Vài cái túi zip
– Ngoài ra bạn cũng chuẩn bị thêm lá chuối và dây buộc gỏi chả lụa nhé.
Các bước tiến hành làm chả lụa:
-
Cách chọn mua thịt heo tươi ngon:
– Thịt heo tươi sẽ có lớp màng khô bên ngoài, bề mặt lát cắt se lại khi chạm vào không có cảm giác dính tay.
– Phần thịt tươi có màu đỏ hồng, mềm mại còn phần mỡ có màu trắng đục.
– Nên chọn mua thịt khi ấn tay vào vẫn cảm nhận được độ đàn hồi, khi ngửi có mùi thịt tươi đặc trưng.
– Nếu bạn thấy miếng thịt có màu đỏ sậm, ngả đen thì không nên mua vì đây có thể là thịt heo được nuôi bằng chất tạo nạc.
– Tránh mua thịt có màu xanh nhạt, thâm đen hoặc da màu đỏ.
-
Sơ chế nguyên liệu:
– Để thịt heo được sạch và không hôi bạn chần trong nước sôi cùng 1 – 2 muỗng cà phê muối, sau đó rửa lại thịt với nước lạnh rồi mang đi chế biến.
– Ngoài ra bạn có thể chần thịt heo với nước sôi cùng một ít rượu trắng giúp tẩy sạch mùi hôi trong thịt hiệu quả hơn.
– Phần thịt và mỡ sau khi mua về bạn rửa thật sạch rồi để ráo
– Tách lớp màng gân mỏng ra khỏi thịt và cắt thịt thành từng miếng nhỏ để một lát mình xay nhuyễn dễ dàng hơn. Tương tự như vậy cũng làm với mỡ mình cũng cắt nhỏ luôn.
– Chia thịt và mỡ thành nhiều phần và cho vào túi zip, nhớ trải đều thịt ra để thịt được làm lạnh nhanh hơn và đều hơn
– Sau đó cho thịt vào ngăn đá tủ lạnh khoảng 1 tiếng đến khi thịt xuất hiện đá nhỏ li ti, thịt hơi cứng lại là được.
– Phải cho thịt vào tủ lạnh là do khi mình xay thịt thì máy xay sẽ hoạt động với công suất cao và trở nên rất nóng, làm cho thịt có thể chuyển sang màu tái tức là thịt bị chín, như vậy thì không làm chả lụa được vì khi đó chả lụa sẽ bị bở không liên kết với nhau. Khi cho thịt vào tủ lạnh sẽ luôn giữ được thịt lạnh và khi xay thì vẫn giữ nguyên nhiệt độ ấy làm thịt sống, tăng tỉ lệ thành công cho chả giò.
-
Xay thịt lần 1, lần 2 và lần 3:
– Sau khi lấy thịt từ ngăn đá ra, bạn cho lần lượt thịt và mỡ vào máy xay. Xay một lúc thì bạn mở nắp và đảo cho đều thịt cũng như để kiểm tra xem thịt còn lạnh hay không, nếu thịt hết lạnh thì bạn cần lấy thịt ra và cho vào ngăn đá làm lạnh rồi mới xay tiếp được.
(Nên chia thịt và mỡ làm 2 hoặc 3 lần xay tùy vào công suất và kích thước của máy xay)
– Sau khi thấy thịt và mỡ đã nhuyễn, múc ra và trộn đều chúng lại với nhau rồi cho vào túi zip để vào ngăn đá làm lạnh thêm 1 tiếng nữa.
– Sau 1 tiếng, thịt đã đạt đủ độ lạnh và dẻo lại, có đá nhỏ li ti thì bạn lấy thịt ra và xay tương tự như lần đầu, bạn cũng chia thành nhiều lần xay để thịt nhanh nhuyễn hơn. Nhớ là phải đảm bảo thịt luôn lạnh trong quá trình xay nha.
– Sau khi xay xong lần này thì thịt cũng đã có một độ nhuyễn mịn nhất định, bạn lại cho vào túi zip và làm lạnh thêm 1 tiếng nữa rồi mình sẽ mang ra xay lần 3_lần cuối cùng. Tổng cộng thì mình có 3 lần xay thịt ở bước này nhé.
– Trong quá trình xay, cần kiểm tra độ lạnh của thịt, nếu thịt hết lạnh thì cho vài viên đá vào xay cùng, hoặc để thịt vào ngăn đông 30 phút rồi lấy ra xay tiếp.
– Nếu máy xay thực phẩm có công suất nhỏ, nên chia thịt thành nhiều lần xay.
– Nếu bạn thích sự cay nồng của tiêu, bạn có thể cho vào 1 ít tiêu hạt để tăng thêm hương vị cho chả
-
Làm hỗn hợp ướp thịt
– Trong thời gian chờ cho thịt lạnh để xay lần cuối, mình sẽ làm hỗn hợp gia vị để ướp thịt.
– Chuẩn bị một cái chén, rồi cho vào đó 2 muỗng canh nước mắm, nửa muỗng canh bột năng, nửa muỗng canh tiêu, 1 muỗng canh đường, nửa muỗng canh bột tỏi, nửa muỗng canh bột hành, nửa muỗng canh muối rồi trộn đều tất cả lên để tạo thành một hỗn hợp sệt sệt. Sau đó cho vào ngăn đá làm lạnh chung với thịt.
-
Xay thịt lần cuối
– Ở lần xay cuối cùng, mình sẽ chia làm 2 lần xay, mỗi lần xay mình sẽ cho 1 nửa phần hỗn hợp ướp thịt vào cùng.
– Cuối cùng, cho hết thịt vào máy xay để tất cả hòa quyện lại với nhau. Thịt lúc này đã dậy mùi thơm, nhuyễn mịn và có màu hồng tươi tương tự như giò sống các bạn hay mua đó.
(Nếu thấy thịt chuyển sang màu tái hoặc trắng thì có thể là thịt đã bị chín, nếu làm chả sẽ bị bở, không ngon.)
-
Miết chả lụa
– Công đoạn miết chả là công đoạn rất quan trọng, nếu làm bước này không cẩn thận thì chả lụa sẽ chỉ mịn thôi mà không có độ dai, giòn.
– Cho thịt đã xay ra một cái khay đủ lớn, sau đó dùng muỗng miết thịt vào thành khay hoặc thành tô sau đó trộn thịt lên và miết tiếp, thực hiện cho đến khi thịt trở thành một khối dai và chắc, công đoạn này làm trong khoảng 15 phút, các bạn đừng làm quá lâu nếu không chả lụa sẽ bị cứng chứ không còn dai nữa nha.
-
Gói chả lụa
– Chuẩn bị 4 chiếc lá chuối đã được rửa thật sạch, bạn nào kỹ hơn thì có thể trụng sơ lá chuối cho lá chuối mềm, dai, không bị rách trong quá trình gói chả hoặc hơ lá chuối qua ngọn lửa, lá chuối sẽ mềm dai hơn.
– Đầu tiên, bạn cho thịt vào giữa rồi trải thịt ra cho đều, sau đó, nắm mép 2 bên của lá chuối rồi cuộn vào giữa, cố định tạm bằng một sợi dây, bước này bạn phải thật làm cẩn thận và nhẹ nhàng để tránh làm rách phần lá chuối sẽ khiến tràn thịt ra ngoài.
– Sau đó bạn, dựng đứng chả lên và gấp mép một đầu lại, rồi lật ngược đầu kia, ép thịt xuống và gấp mép lại luôn.
– Tiếp tục, bạn dùng 1 đoạn dây dài để buộc chặt theo chiều dọc của cuốn chả. Với phần dây dư lại, bạn dùng một ngón tay để giữ dây ngay đường buộc dọc, sau đó vòng dây 1 vòng quanh thanh chả theo chiều ngang, sau đó móc vào sợi dây dọc để cổ định. Làm cho tới khi được như thế này, nếu vẫn còn dư dây bạn cứ quấn theo sợi dây dọc rồi lại buộc theo chiều ngang.
– Cuối cùng, bạn hãy lăn tròn chả lụa nhẹ nhàng trên mặt phẳng để tạo hình chả lụa được tròn và đẹp hơn. Vì là gói chỉ cho gia đình ăn thôi nên mình gói cũng không được khéo tay cho lắm, nếu bạn nào khéo tay chắc chắn sẽ gói đẹp hơn mình nhiều.
Các bạn có thể sử dụng giấy bạc thay bởi lá chuối, dùng giấy bạc sẽ dễ tạo hình hơn cũng không cần phải buộc lạt để cố định, tuy nhiên sử dụng giấy bạc với thực phẩm thì không an toàn bằng lá chuối.
-
Hấp chả lụa
Cho chả lụa vào hấp khoảng 1 tiếng, để biết được chả đã chín chưa, bạn hãy dùng 1 cây tăm nhỏ và chọc vào cuộn chả, nếu tăm khô, không có dính nước thì tức là chả đã chín rồi đấy.
– Khi chả lụa chín thì bạn vớt ra, lúc này chả còn nóng nên chưa dai, bạn hãy để chả cho thật nguội rồi mới thái lát và bắt đầu thưởng thức cùng với gia đình và bạn bè nhé.
-
Cách bảo quản chả lụa
Sau khi luộc xong bạn để nguyên lá chuối bên ngoài và để nơi khô ráo sẽ để được 2 ngày.
Nếu muốn để lâu tầm 3 – 5 ngày, bạn để trong ngăn mát tủ lạnh nhé.
Một số lưu ý để thực hiện thành công món chả lụa thơm ngon giòn dai
– Thịt heo để làm chả lụa phải là thịt tươi mới. Loại thịt ngon nhất bạn nên chọn mua để làm chả lụa là thịt đùi, nạc vai, mỡ gáy.
– Thịt heo đem đi xay phải ở nhiệt độ dưới 5 độ C vậy nên trước khi đem xay phải bỏ thịt trong ngăn đá tủ lạnh ít nhất 3 tiếng để cho thịt đạt nhiệt độ thích hợp (kết cấu thịt heo xay bây giờ sẽ giống như kem) vì thịt xay lâu máy nóng sẽ làm chín thịt làm mất độ kết dính khiến giò sống bị bở.
– Để kiểm tra chả lụa có bị bở hay không, thì trước khi gói bạn chỉ cần đun sôi một nồi nước và vo một viên chả lụa cho vào luộc chín rồi ăn thử. Nếu dai ngon thì tiến hành gói và hấp. Nếu chưa, bạn có thể khắc phục bằng cách cho thịt xay vào tủ đá khoảng 1 tiếng và đem xay lại.
Miếng chả lụa được làm theo cách này sẽ rất dai và giòn, đậm đà hương vị rất vừa ăn, ăn kèm cùng với một ít củ kiệu là chuẩn vị Tết. Chả lụa đã ngon mà chả lụa tự làm sẽ còn ngon và thú vị hơn rất nhiều. Chúc các bạn thành công với cách làm chả lụa thơm ngon giòn dai tại nhà mà mình đã chia sẻ bên trên nhé!