10 Cách Nấu Xôi Vừa Dẻo Vừa Thơm Ngon Mà Đơn Giản

Nấu xôi không hề khó, đặc biệt xôi lại là món ăn rất ngon. Những dịp như ngày Tết hay đơn giản như ngày rằm ..những dĩa xôi đầy ú ụ được bày trên mâm cỗ thơm phức mang đến cho gia đình ý nghĩa một năm đầy đủ và an lành! Nhà mình thích ăn xôi nên đôi khi không cần dịp đặc biệt vẫn thổi xôi ăn sáng. Hôm nay mình sẽ giới thiệu tới các bạn công thức 10 món xôi vừa thơm ngon mà dễ nấu tại nhà.

10 công thức nấu xôi vừa dẻo vừa thơm tại nhà

1. Cách nấu xôi xéo đậu xanh đơn giản tại nhà

Cách nấu xôi xéo đậu xanh

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp, đậu xanh, hành khô muối, tinh bột nghệ

Cách làm:

– Gạo nếp cho ngâm cùng tinh bột nghệ để lấy màu vàng

– Đậu xanh ngâm nở.

– Hành khô bỏ vỏ thái nhỏ phi vàng. Sau để riêng hành và giữ lại nước mỡ hoặc dầu ăn

– Gạo và đậu sau ngâm vo sạch để ráo.

– Lần lượt cho muối vào gạo, đậu xanh trộn đều

– Bắc xửng hấp lên bếp, chờ nước sôi thì cho gạo vào đồ.

– Tiếp đến đồ đậu, khoảng 30 phút thì bỏ đậu ra nghiền, cho chút dầu ăn trộn đều và nắm chặt tay thành từng nắm.

– Gạo đồ 30 đến 35 phút tắt bếp, bỏ trõ ra xới đều xôi lên, cho ra quạt 15p cho xôi nguội.

–  Đồ xôi lần 2 để xôi mẩy và dẻo. Đồ thêm 10 phút thì cho chút mỡ gà vào xôi và trộn đều, đồ thêm 10 phút nữa là được.

– Cho xôi ra bát, thái lát đậu lên trên, rắc hành khô, tưới mỡ, dầu đã phi hành lên rồi thưởng thức.

2. Cách nấu xôi khúc lá dứa thơm dẻo

Cách nấu xôi khúc lá dứa

Nguyên liệu:

– Gạo nếp: 500g
– Bột nếp: 300g
– Thịt ba rọi: 100g
– Đậu xanh cà: 200g
– Lá dứa: 100g
– Hành lá: 2 nhánh
– Hành tím: 10g
– Hành tím phi: 10g
– Gia vị: tiêu, đường, muối, hạt nêm

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

– Gạo nếp vo sạch, ngâm nước từ 8 – 12 tiếng hoặc ngâm qua đêm để gạo nở mềm, sau đó vớt ra, để ráo.

– Ngâm đậu xanh trong nước với một ít muối để đậu xanh nở ra rồi rửa sạch. Tiếp đến, cho đậu xanh vào nồi với một lượng nước vừa đủ tính từ mặt đậu lên khoảng 2mm, thêm 1 muỗng cà phê muối rồi nấu, khi nấu vớt bọt ra nấu trên lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút. Đậu chín mềm thì đổ ra rổ, để ráo.

– Thịt ba rọi xát muối để khử mùi hôi và rửa lại nhiều lần với nước sạch, băm nhỏ.

– Lá dứa rửa sạch rồi cắt nhỏ.

– Hành tím lột vỏ, băm nhỏ. Hành lá bỏ gốc, rửa sạch rồi cắt nhỏ.

Bước 2: Làm nhân bánh khúc

– Cho 100g lá dứa và 150ml nước vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn lọc qua dây vắt lấy nước cốt. Sau đó, thêm vào nước cốt lá dứa 1/3 muỗng cà phê muối và 1 muỗng canh dầu ăn cho vào nhào cùng 300g bột. Nhồi thật đều tay đến khi bột dẻo, mịn và không bị chảy. Dùng màng bọc thực phẩm ủ từ 30 – 45 phút cho bột nghỉ.

– Phi thơm hành tím với dầu ăn rồi cho thịt băm vào xào, nêm vào 1/3 muỗng cà phê hạt nêm, đảo đều tay.

– Tiếp đến, cho đậu xanh đã luộc chín vào xào chung, nêm thêm 1/3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh dầu ăn và hành lá cắt nhỏ. Trộn đều đến khi hỗn hợp kết dính lại thì tắt bếp, rắc vào 1/2 muỗng cà phê tiêu.

– Khi phần nhân đậu xanh và thịt nguội, dùng tay nặn thành từng viên tròn to cỡ quả trứng gà.

Bước 3: Nấu xôi khúc

– Gạo nếp sau khi sơ chế đem trộn với 1 muỗng cà phê muối rồi để khoảng 15p cho ngấm.

– Bột nếp sau khi ủ, chia thành từng viên tròn như phần nhân đậu xanh. Lấy từng viên dàn mỏng, cho viên nhân đậu xanh thịt vào giữa, bọc lại cho kín rồi vo tròn. Làm tương tự đến khi hết phần bột nếp và nhân đậu.

*Lưu ý là nắn cho phần vỏ bánh ôm khít phần nhân, không để không khí lọt vào trong vì khi hấp bánh sẽ dễ bị chảy xệ.

– Sau khi làm xong, lăn từng viên bột qua một lớp mỏng gạo nếp, dải 1 lớp gạo nếp lên xửng hấp, nhẹ nhàng xếp viên bột vào xửng. Phần gạo nếp còn lại phủ đều lên trên.

– Phủ một cái khăn sạch lên bề mặt để tránh hơi nước bốc lên rơi xuống làm xôi bị nhão. Hấp khoảng 45 – 60 phút là xôi chín.

– Khi thấy bánh khúc mềm, hạt nếp căng mọng, dẻo đều là xôi đã chín. Lấy xôi ra đĩa, rắc hành phi lên trên rồi thưởng thức.

Cách nấu xôi khúc lá dứa tại nhà khá đơn giản vậy mà thành phẩm rất ngon và dễ ăn, một lần làm có thể làm nhiều nhiều ăn không hết bỏ vào hộp kín bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh khi ăn hấp lại vẫn dẻo ngon như mới .

3. Cách nấu xôi ngũ sắc ngon nhất

Cách nấu xôi ngũ sắc tại nhà

Nguyên liệu:

  • 1kg gạo nếp (nếp cái hoa vàng, nếp nương, nếp Tú Lệ đều được)
  • Lá dứa (lá nếp): 1 bó nhỏ
  • Lá cẩm đỏ: 2 lạng
  • Lá cẩm tím: 2 lạng
  • Bột nghệ hoặc tinh bột nghệ
  • Hoa đậu biếc: 0.5 lạng hoa khô

Cách làm:

– Lá nếp (lá dứa) xay nhuyễn cùng nước, lọc lấy nước bỏ bã  – Tầm 500ml nước ngâm với 2 lạng gạo

– Lá cẩm đỏ: rửa sạch đun sôi cho phai màu – để nguội rồi ngâm cùng gạo ( 500ml nước – 200gr gạo)

– Lá cẩm tím: rửa sạch đun sôi cho phai màu – để nguội rồi ngâm cùng gạo ( 500ml nước – 200gr gạo)

– Hoa đậu biếc – ngâm nước ( 500ml) nóng già cho phai màu rồi ngâm với 200gr gạo

– Gạo ngâm 4 tiếng với gạo nếp cái và nếp Tú Lệ; với gạo nếp nương Điện Biên thì ngâm nước nóng già xôi sẽ mềm và ngon hơn tầm 4 tiếng. Sau khi gạo ngâm đủ thời gian các bạn sẽ đổ gạo ra giá cho chảy hết nước, trộn 1 chút bột canh rồi cho lên bếp đồ xôi. Nhà mình thì có 1 chõ đồ nhưng 5 vỉ khác nhau để làm 5 màu khác nhau.

– Khi xôi chín đóng khuôn luôn – được màu nào đóng luôn màu đó thì xôi sẽ không nát mà lại dễ tạo hình theo ý muốn. Xong 5 màu là bạn có đĩa xôi ngũ sắc rồi đó. Đồ ăn kèm với xôi ngũ sắc thường là muối vừng, muối lạc, ruốc, mắm tép chưng thịt đều ngon.

4. Cách nấu xôi mít lá dứa đơn giản

Cách nấu xôi mít lá dứa đơn giản

Nguyên liệu:

– 10 miếng mít
– 100g gạo nếp nương Điện Biên (loại hạt dài)
– 30g lá nếp
– 100ml nước
– 20g đường vàng
– 50g cốt dừa
– 15g dừa nạo
– 10g đường trắng

Cách làm:

– Nếp nương vo sạch, để ráo.

– Lá nếp cắt nhỏ, xay cùng 100ml nước, rồi vắt kiệt để thu được đúng 100ml nước cốt

– Ngâm gạo qua đêm khoảng 8h trong tủ lạnh với 70ml nước cốt lá nếp

– Chắt hết nước, xóc gạo với chút muối rồi đem đồ lần 1 trong 40 phút

– Dỡ xôi ra tãi nguội rồi trộn cùng 20ml nước cốt lá nếp. Đây là mẹo để giữ màu xôi đẹp và giúp xôi dẻo

– Đem xôi đồ tiếp lần 2 khoảng 30 phút

– Đun 50ml nước cốt dừa cùng 10ml nước cốt lá nếp và 20g đường rồi cho xôi vào đảo đến khi hỗn hợp cốt dừa thấm hết vào hạt xôi. Để nguội

– Xào dừa nạo cùng 10g đường

– Nhồi xôi vào trong các múi mít, sau đó cho dừa nạo lên trên

– Nếu muốn có thêm cốt dừa để chấm cùng xôi thì đun 50ml cốt dừa với 10-15g đường cùng chút xíu bột năng để tạo độ sánh nhẹ.

5. Cách làm xôi vò ngon tại nhà

Cách nấu xôi vò tại nhà

Nguyên liệu:

– 1kg gạo nếp cái hoa vàng.
– 2 lon nước cốt dừa lon 400ml.
– 600g đậu xanh cà vỏ.
– 100g – 150g đường ( tuỳ khẩu vị có thể tăng giảm)

Cách làm:

– Gạo vo sạch sẽ. Đổ 2 lon cốt dừa + 1 lít nước + 1 thìa muối vào ngâm gạo từ 6-7 tiếng.

– Tương tự đậu cũng rửa sạch rồi cho nước ngập đậu + 1 thìa muối ngâm 2,5 – 3 tiếng.

– Khi đậu ngâm xong rửa sạch lại lần nữa, và để thật ráo nước, rồi cho đậu đi hấp chín.

– Đun sôi nước cho đậu lên hấp khoảng 20 – 25 phút. Cứ khoảng 5-7 phút mở nắp vung 1 lần cho hơi thoát ra tránh làm đậu bị bết. Hấp xong dùng quạt quạt cho đậu nguội thì đem bỏ vào tủ mát đợi khi nào gạo ngâm gần được thì lấy ra xay nhỏ. Xay nát khoảng 60 – 70% tránh xay quá tay sẽ làm đậu bị bết ăn không ngon. Xay xong cả nhà chia đậu làm 2 phần nhé.

– Gạo ngâm xong vớt để thật ráo nước.

– Khi gạo ráo nước, cho 1/2 chỗ đậu vừa xay trộn đều đem đi hấp.

– Hấp lửa vừa khoảng 25-30 phút. Cứ khoảng 5-7 phút lại mở nắp ra một lần cho thoát hơi. Tránh xôi bị bết lại.

– Hấp xong khi xôi chỉ còn hơi ấm ấm thì cho 1/2 số đậu còn lại vào trộn đều vò vò, vò qua vò lại.

– Rồi tiếp tục cho lên hấp lần 2. hấp lần 2 khoảng 8 – 10 phút là được.

Các bạn có thể làm nhiều để ăn dần. Khi xôi nguội hẳn thì cho vào hộp kín hoặc bọc kín bên ngoài bằng 1 đến 2 lớp giấy, khi nào ăn lấy ra hấp lại 10 phút là được. Xôi vẫn mềm và thơm ngon.

6. Cách nấu xôi dừa sầu riêng thơm nức mũi

Cách nấu xôi dừa sầu riêng

Nguyên liệu:

– Sầu riêng: 150g
– Nếp Thái: 500g
– Đậu xanh cà vỏ: 100g
– Dừa: 1/4 quả ( bào sợi hoặc xay nhỏ )
– Nước cốt dừa: 4 thìa
– Lá dứa: 2-3 lá
– Muối: 1 thìa cafe
– Bột nghệ: 2 thìa cafe
– Dầu ăn: 2 thìa cafe

Cách làm:

– Đậu xanh ngâm 2h.

– Nếp vo sạch, cho bột nghệ đem ngâm nước lạnh qua đêm hoặc muốn nhanh ngâm nước hơi ấm chừng 3h.

– Nếp, đậu sau khi nở đều, xả qua vòi nước mạnh rồi để ráo. Trộn nếp, đậu, dừa, tí muối cho đều.

– Đặt nồi hấp lên bếp, đổ 1 ít nước vào đáy nồi thêm vài lá dứa, bật bếp đun sôi nước.

– Khi nước trong nồi hấp bắt đầu bốc hơi mới đổ nếp vào, dàn đều bề mặt, rồi giảm bớt lửa.

– Đồ xôi chừng 15 phút thì lấy đũa đảo đều xôi lên. Sau đó rưới nước cốt dừa, dầu ăn lên bề mặt xôi, trộn đều, việc rưới dầu ăn giúp xôi không bị khô và hạt xôi được bóng hơn.

– Đồ chừng 10 phút cho sầu riêng vào đảo đều, đồ tiếp tầm 5 phút là được.

– Xôi ăn nóng hoặc nguội đều ngon.

7. Cách nấu xôi gà thập cẩm tại nhà

Cách làm xôi gà thập cẩm

Nguyên liệu:

– 300 gr gạo nếp cái hoa vàng
– 300 gr đùi gà rút xương
– 100 gr giò lụa
– 50 gr nấm hương
– 1 quả trứng
– 1 củ cà rốt
– 1 củ cải trắng
– Hành lá
– Hành tím
– Muối trắng, dầu ăn, gia vị, bột nêm, tiêu, đường, nước mắm, nước tương, giấm gạo, bột sắn dây.

Cách làm:

– Ngâm gạo cùng với một chút muối trắng trong khoảng từ 6 đến 8 tiếng trước khi đồ xôi.

– Thịt gà rửa sạch để ráo nước.

– Nấm hương ngâm nước nóng, rửa sạch, thái sợi.

– Giò lụa thái sợi.

– Cà rốt, củ cải rửa sạch, gọt vỏ, thái sợi.

– Hành lá, hành tím rửa sạch, thái nhỏ.

– Gạo sau khi đã ngâm, vo sạch, để ráo nước.

– Chuẩn bị nồi nước, đặt xửng hấp vào nồi, đun sôi nước.

– Khi nước trong nồi đã sôi, rải đều gạo lên trên xửng để bắt đầu đồ xôi.

– Duy trì nhiệt độ vừa trong quá trình đồ xôi để tránh việc xôi bị khê hoặc nhão.

– Cứ 10 phút mở nắp đảo đều gạo và lau khô hơi nước ở mặt nắp để xôi chín và ráo nước.

– Đồ xôi tầm 30 đến 40 phút là được.

– Gà luộc chín tới, để nguội, xé miếng vừa ăn, ướp cùng nước mắm, gia vị, bột nêm, tiêu, đường, hành tím trong 30 phút rồi xào cùng nấm hương.

– Giò lụa xào cùng chút nước mắm.

– Cà rốt, củ cải ướp với với một chút muối trong 30 phút để giữ được độ giòn, sau đó rửa lại, để ráo nước.

– Pha hỗn hợp gồm nước ấm, giấm gạo, đường.

– Ngâm cà rốt, củ cải cùng hỗn hợp trên trong khoảng 2 tiếng.

– Pha hỗn hợp gồm 3 thìa nước luộc gà, 5 thìa nước tương.

– Đun sôi hỗn hợp, cho thêm tiêu.

– Hoà tan 1/2 thìa bột sắn dây và cho vào hỗn hợp sốt để tạo độ sánh.

– Đun nóng chảo dầu để làm mỡ hành và hành phi.

– Ốp la trứng gà.

Trình bày xôi ra đĩa hoặc bát to, rưới mỡ hành lên xôi, xếp lần lượt gà, nấm hương, giò lụa, trứng ốp la, đồ chua, rắc hành phi, cuối cùng rưới nước sốt và thưởng thức. Món xôi gà thập cẩm với từng hạt nếp dẻo thơm, mỡ hành béo ngậy, gà nấm và các món ăn kèm đậm đà, đồ chua giòn cùng nước sốt cả nhà mình đều thích!

8. Cách nấu xôi chim bồ câu ngon tại nhà

Cách nấu xôi chim bồ câu

Nguyên liệu:

– 1 con chim
– 5 lạng gạo nếp cái hoa vàng
– Gia vị: hành khô, tiêu, muối, dầu ăn.

Cách làm:

– Lọc thịt chim băm nhỏ ướp 1 chút mắm,hạt tiêu và 1 thìa dầu ăn.

– Xôi mình nấu bằng cơm điện như nấu cơm tẻ nhưng cho 1 xíu nước vừa đủ ngập gạo nên mềm dẻo mà không hề khô.

– Phi hành: thái mỏng khoảng 6 củ sau đó phi hành ngập dầu, khi hành hơi ngả màu vàng là vớt ngay ra đĩa để nguội.

– Sau khi vớt hành ra bỏ bớt mỡ thừa và đổ thịt chim vào xào, đảo nhanh tay cho thịt tơi ra, nêm gia vị vừa ăn, không xào thịt khô quá khi trộn vào xôi sẽ bị cứng.

– Cuối cùng thêm 1 chút xíu hạt tiêu rắc lên thịt cho thơm và tắt bếp

– Lúc này cơm xôi vừa chín đổ thịt vừa xào vào nồi cơm dùng đũa đảo đều lên

– Xơi cơm xôi ra bát loa sau đó đặt đĩa lên chốc là úp ngược bát xuống là được đĩa xôi tròn đẹp.

– Rắc hành khô vừa phi lên trên và thưởng thức!

9. Cách làm xôi chiên nhân thịt đơn giản mà ngon

Cách làm xôi chiên nhân thịt

Nguyên liệu:

– Nếp
– Thịt nạc vai
– Cà rốt
– Nấm mèo
– Khoai môn hoặc củ đậu
– Gia vị đi kèm: hành củ, nước mắm, bột nêm, dầu ăn, đường, tiêu

Cách làm:

– Vo sạch nếp và nấu xôi, mình nấu bằng nồi cơm điện

– Thịt băm nhỏ, ướp sơ với hành củ, bột nêm, tiêu, đường, nước mắm

– Cà rốt thái hạt lựu, khoai môn bào sợi, nấm mèo thái nhỏ

– Phi thơm dầu ăn với hành củ, lần lượt cho thịt, cà rốt, khoai môn, nấm mèo vào xào chín, nêm nếm vị nhạt thôi, đừng nêm mặn, thêm hành lá và tiêu cho nhân có thêm mùi thơm

– Xôi nấu chín thì chuẩn bị dụng cụ tạo hình tròn, mình dùng cái thớt bọc ngoài bằng màng bọc thực phẩm và 1 chiếc nắp nhựa tròn, bôi 1 ít dầu ăn vào nắp để lúc tạo hình xôi không bị dính nắp, cho xôi ra thớt và dùng nắp tròn ấn xuống, trong lúc làm phải có bao tay thực phẩm để không bị dính xôi nhé

– Xôi tạo hình xong thì mang đi chiên vàng giòn 2 mặt, dùng kéo cắt xung quanh xôi để cho nhân vào, một lớp nhân, rắc thêm chà bông, tương ớt, thêm ít sốt mayonnaise là xong, ăn ngay lúc xôi đang nóng giòn.

10. Cách làm xôi bọc gà nấm hương bằng nồi cơm điện

Cách làm xôi gà bọc nấm hương

Nguyên liệu:

  • Gạo nếp
  • Bột nghệ
  • Nấm hương tươi
  • Muối, hạt nêm

Cách làm:

– Gạo nếp ngâm với bột nghệ 2h, vo lại bằng nước, để ráo. Tuỳ các bạn có thể cho bột nghệ hoặc không nhé, hoàn toàn không có mùi nghệ, nhưng mình thích xôi có màu vàng nhạt.

– Gà luộc xé phay, mình dùng gà không quá dai. Vì ăn cùng xôi mềm, nếu dai quá thì xôi sẽ nhuốt trước mà gà vẫn còn phải nhai lại.

– Nấm tươi rửa sạch thái nhỏ.

– Gạo nếp trộn đều với muối, chút dầu ăn, cho vào nồi cơm điện, đổ nước xâm xấp cắm.

– Phi hành, cho gà xé, nấm tươi và hạt nêm, chút bột canh vào xào khô.

– Xôi sau khi chín lấy ra đĩa cho bay hết hơi nóng.

– Cách bó: trải lớp nilon bọc thức ăn xuống dưới cùng, để xôi lên trên dàn thành lớp mỏng vừa ăn, xếp hỗn hợp gà nấm. Sau đó dùng tay cuộn tròn thật chặt giống như cuộn sushi.

– Vì nếu chiên với dầu sẽ dùng rất nhiều dầu ăn, mình không thích nên đã cho vào nồi chiên không dầu 200 độ/ 20phút

– Nước chấm: mình dùng bột canh tiêu, pha chút nước cốt chanh.

– Lưu ý: nếu các bạn muốn xôi ngon như chiên bằng dầu ăn, thì khi chọn gà các bạn nhớ dùng loại gà có mỡ, có da. Và khi cắm xôi cho 1 chút dầu ăn. Đến khi chiên, mỡ gà và dầu ăn ở xôi sẽ chảy bóng ra, ngon mà không quá ngấy. Mình thích ăn hơi giòn hơi mềm nên không chiên quá lâu.

Bí quyết khi nấu xôi để có hạt xôi căng mọng mềm dẻo

1/ Chọn gạo và ngâm gạo

Gạo nếp quyết định 70% độ ngon của nồi xôi. Thế nên tìm mua được loại nếp có màu trắng đục, hạt đều, căng bóng.
Thêm vào đó, công đoạn ngâm nếp chuẩn thời gian cũng sẽ giúp hạt xôi dẻo thơm. Tuỳ theo tính chất hạt gạo, nên ngâm nước từ 6 đến 8 tiếng là vừa đủ. Nếu ngâm lâu hơn, gạo sẽ bị chua và khi nấu sẽ bở nát mất ngon. Khi ngâm, cho thêm một ít muối để giúp khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín tới.

2/ Canh nhiệt độ khi đồ xôi

Khi nấu xôi phải cực kỳ chú ý tới lửa. Cho nước vào nồi, đợi khi nhiệt độ sôi tăng cao mới bắt đầu đặt chõ lên hấp. Nên giữ mức nhiệt ổn định vì nếu tăng cao quá sẽ khiến xôi bị cháy khét, nhỏ quá thì xôi lại nhão. Thời gian hấp xôi chuẩn là từ 30 đến 40 phút.
Và cứ 10 phút lại mở nắp một lần để lau khô hơi nước bốc lên. Hoặc là có cái khăn xô to loại khăn tắm cho trẻ sơ sinh, vắt qua miệng nồi rồi mới đậy vung lên .

3/ Đong chuẩn lượng nước khi thổi xôi

Đây là khâu quan trọng quyết định xôi khô hay dẻo hoặc nhão. Xôi dẻo, khê hay sống phụ thuộc lớn vào phần nước này. Lượng nước đổ dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi.

4/ Thời gian xôi chín

Tuỳ theo từng loại gạo, nên nấu từ 30– 40 phút. Cứ 10 phút lại mở nắp để lau khô hơi nước ở nắp nồi và đảo đều gạo để xôi chín, ráo nước.

5/ Đồ xôi hai lửa

Khi xôi vừa chín tới, bạn xới xôi ra một chiếc mâm to, dàn đều và để dưới quạt cho nguội bớt. Sau đó, tiếp tục cho xôi vào hấp đồ thêm một lần nữa. Bằng cách này, dù có để lâu, món xôi vẫn mềm và dẻo.

6/ Cách để hạt xôi luôn căng bóng

Để hạt xôi được căng bóng bạn rưới đều một chút mỡ gà và đảo đều chõ xôi trước khi bắc ra, xôi sẽ có độ căng bóng và chỉ nhìn thôi là đã thấy mềm ngon rồi.

Trên đây là những công thức nấu xôi cũng như bí quyết để có đĩa xôi thơm ngon tại nhà. Chúc các bạn thành công!

Đánh giá post