Tổng Hợp 8 Cách Nấu Những Món Chè Ngon Cho Mùa Hè

Chè là món ăn rất được ưa chuộng và yêu thích. Vị thanh ngọt, mát lạnh của những ly chè thơm ngon, cùng với nhiều hương vị khác nhau sẽ đánh bay cái thời tiết nóng bức ngày hè. Hãy cùng thử ngay những cách nấu những món chè giải nhiệt mùa hè vừa ngon, bổ lại vừa độc, lạ dưới đây nhé!

1. Chè nấm tuyết hạt sen

Chè có hương vị giòn giòn của nấm tuyết, bùi bùi của hạt sen, của táo tàu và đặc biệt là vị ngọt thanh mát tự nhiên từ đường phèn khiến nhiều người thích thưởng thức món chè nấm tuyết hạt sen vào những ngày nắng nóng cực độ.

chè nấm tuyết hạt sen

Cách làm chè nấm tuyết hạt sen cũng khá đơn giản, chỉ cực ở phần chuẩn bị nguyên liệu mà thôi. Nấm tuyết bạn đem rửa sạch rồi ngâm trong nước 20 phút cho mềm, cắt bỏ phần chân nấm. Táo tàu và hạt câu kỷ tử rửa sạch để ráo nước, hạt sen loại bỏ tâm sen để không bị đắng. Nấm tuyết sau khi đã ngâm mềm thì tách thành những nhánh nhỏ cho vào nồi đổ 150ml nước.

Bật bếp nấu cho sôi lên thì để lửa nhỏ, nấu khoảng 20 phút.Tiếp theo bạn cho hạt sen vào nấu khoảng 15 phút để hạt sen chín mềm. Cho táo tàu vào nồi chè nấu cho sôi khoảng vài phút thì cho đường phèn vào. Lượng đường bạn có thể tùy chỉnh sao cho độ ngọt như ý. Sau cùng bạn cho hạt câu kỷ tử vào nấu cho sôi lên 2 phút nữa là tắt bếp.

Việc đun nấu các món chè sẽ hiệu quả hơn nếu bạn sử dụng Bếp từ Miele hoặc Bếp từ Siemens, với khả năng kiểm soát nhiệt độ chính xác và an toàn khi sử dụng.

chè nấm tuyết hạt sen

Chè hạt sen nấm tuyết có thể thưởng thức khi nóng hay lạnh tùy theo sở thích, nếu thích ăn lạnh bạn cho nồi chè vào tủ lạnh khoảng 2-3 tiếng là có thể múc chè ra bát thưởng thức. Chè hạt sen nấm tuyết vừa mát bổ lại rất tốt cho sức khỏe.

2. Sâm bổ lượng

Sau chè nấm tuyết hạt sen thì sâm bổ lượng chính xác là món chè còn phổ biến hơn nhiều, vì nó tập hợp nguyên liệu còn nhiều hơn cả chè nấm tuyết hạt sen, bổ dưỡng hơn. Bắt nguồn từ Quảng Đông, Trung Quốc thì sâm bổ lượng có tác dụng giải nhiệt, bồi bổ cơ thể, là sự kết hợp hoàn hảo từ các nguyên liệu tự nhiên.

sâm bổ lượng

Sơ chế các nguyên liệu như bo bo, hạt sen, củ sen, củ năng… từ tối hôm trước thì sáng hôm sau làm qua vài công đoạn nữa là bạn hoàn toàn có thể làm ra một nồi sâm bổ lượng ngon và đầy dinh dưỡng rồi! Bo bo ngâm với nước sôi qua đêm (4 đến 5 giờ) cho nở mềm rồi bắc lên bếp luộc với 200ml nước khoảng 15 phút cho chín mềm.

Củ sen gọt vỏ cắt lát mỏng khoảng 1cm, củ năng gọt vỏ, cắt làm đôi nếu củ quá to, đem cả 2 rửa sạch. Cho củ sen, củ năng vào nồi đun cùng với 2 lít nước ở lửa vừa. Khi nước sôi hạ lửa nhỏ, hầm khoảng 10 phút để củ sen và củ năng vừa chín tới. Hạt sen ngâm với nước ấm 20 phút rồi cho vào nồi luộc mềm cùng 200ml nước. Đổ hạt sen cùng với nước luộc vào nồi chè, thêm đường phèn vào rồi khuấy đều cho đường tan.

nấu sâm bổ lượng

Tiếp tục nấu 10 phút nữa cho các nguyên liệu ngấm đường. Thêm nhãn nhục ngâm mềm và táo tàu ngâm nở vào. Nấu tiếp 5 phút thì cho phổ tai đã ngâm mềm vào nồi, khuấy đều rồi nhắc xuống. Phổ tai rất nhanh chín nên bạn không cần phải nấu quá lâu sẽ mất đi độ giòn sựt.

Múc bo bo vào ly, thêm sâm và đá nhuyễn và bạn đã có 1 ly sâm bổ lượng mát lạnh bổ dưỡng cho ngày nóng rồi.

3. Chè khoai dẻo

Chè khoai dẻo là một loại tráng miệng của người Đài Loan vừa xuất hiện thị trường Việt Nam thời gian gần đây, món chè ngon lành với những viên khoai lang dẻo thơm, kết hợp với thạch cao quy linh mềm tan ngay trong miệng. Lại thêm nước đường ngọt lịm, nước cốt dừa béo ngậy thêm vài viên đá mát lạnh là siêu cuốn hút luôn.

cach lam che khoai deo 5

Nguyên liệu làm chè khoai dẻo:

  • 2 củ khoai lang mật
  • 2 củ khoai lang vàng (chọn vàng đậm)
  • 2 củ khoai lang màu trắng hoặc vàng nhạt để pha màu cho dễ lên màu

Ngoài ra nếu thích màu tím làm thêm khoai lang tím giữ nguyên bản màu.

chè khoai dẻo

Cứ một màu khoai (ví dụ hai củ khoai lang mật) pha với:

  • 40gr bột năng
  • 20gr bột nếp
  • 15gr đường cát trắng
  • 30gr mật ong

Ngoài ra cần có các nguyên liệu khác:

  • Đường cát vàng Biên Hoà
  • Nước cốt dừa đóng lon hoặc tự làm
  • Kem béo Rich
  • Bột trà xanh
  • Đậu đỏ mắt cua (loại đậu hạt nhỏ)
  • Gừng
  • Thạch sương sáo đen hoặc cao quy linh (mua sẵn gói về pha và nấu)
  • Trân châu đường đen

Cách làm chè khoai dẻo:

Với đậu đỏ ngâm nước qua đêm cho mềm hôm sau chỉ việc hấp lại 10-15p rất nhanh chín. Trước khi hấp nên luộc qua 1-2 nước rồi rửa lại để đậu bớt chát ở phần vỏ. Hấp chín rồi trộn với chút đường hoặc mật ong.

Các loại khoai rửa thật sạch, để nguyên vỏ, cắt khúc cho tất cả vào nồi hấp, khoai chín phân loại từng màu và bóc vỏ để riêng.

Tán nhuyễn từng màu khoai, lúc khoai đang ấm nóng thì cho đường, mật ong vào trước để đường dễ tan, trộn thật đều rồi rây bột năng, bột nếp vào. ho từng thìa nước nhỏ (nước sôi nóng, nên dùng nước nóng để bột được nở đều và dẻo mịn hơn) nhào đến khi thành khối bột mềm dẻo.

chè khoai dẻo

Lăn khối bột thành hình trụ tròn nhỏ bằng ngón tay trỏ sau đó cắt thành từng khúc nhỏ xíu như hình. Làm lần lượt như vậy với mỗi màu. Riêng màu xanh nên dùng khoai lang trắng hoặc khoai lang có màu vàng thật nhạt pha với khoảng 7gr bột trà xanh.

Sau khi nhào nặn xong thì nên dùng bột áo là bột năng để chống dính, khi luộc rây bớt phần bột năng thừa đó đi.

Đun sôi một nồi nước thật to, nước thật sôi thả hết khoai dẻo vào luộc,đến khi khoai nổi lên trên thì hạ nhỏ lửa luộc thêm 10-15p nữa để khoai chín kĩ hơn. Khoai chín vớt ra chậu nước có thả vài cục đá, đợi khoai nguội vớt từng màu ra mỗi bát. Thêm chút siro đường ngô hoặc đường cát trắng, hoặc mật ong đảo đều để giữ độ dẻo và chống dính cho khoai.

Các loại thạch sương sáo hoặc cao quy linh nên mua gói bột bán sẵn về tự nấu, nấu từ hôm trước để đỡ vất vả làm nhiều thứ cùng một lúc, cắt nhỏ thành sợi dài hoặc vuông nhỏ tuỳ ý.

Trân châu mọi người sử dụng trân châu đường đen làm từ lúc làm sữa tươi trân châu đường đen cho ngon và thơm.

Phần nước chan chè khoai dẻo:

Đường hoa mai vàng với gừng,nấu khoảng 1l nước trắng với 300gr đường hoa mai vàng, ngọt nhạt mọi người tự điều chỉnh được. Nước sôi hớt bọt đập dập một miếng gừng cho vào là xong.

Cách nấu nước cốt dừa:

Có thể dùng cùi dừa già, gọt hết lớp vỏ nâu bên ngoài, cắt nhỏ cùi rồi đem xay nhỏ đem lọc qua hai lần nước để lấy nước cốt hoặc dùng lon cốt dừa mua sẵn.

Hoà 200gr nước cốt dừa với 150gr kem béo Rich, 50gr sữa đặc ông thọ, thêm vào 1-2 muỗng canh bột năng (nên hoà bột năng với xíu nước cho tan trước khi đổ vào nồi), 1/4-1/3 muỗng cà phê muối, khuấy đều các nguyên liệu, đun nhỏ lửa đến khi sôi lăn tăn là được. Khi nguội hỗn hợp sẽ đặc sánh hơn. Mọi người cũng có thể điều chỉnh theo ý muốn nhưng nên có đủ các nguyên liệu trên nước cốt dừa sẽ luôn ngon và béo ngậy.

Khi ăn bày mỗi thứ một ít ra bát, chan nước đường gừng và múc nước cốt dừa lên trên.

4. Chè mít đác

Chè mít đác nghe tên lạ lạ, hay hay nhưng lại là một món chè ngon khó cưỡng ngày hè đến từ Phú Yên. Đúng như tên gọi, chè mít đác gồm 2 thành phần chín là mít và hạt đác, vị thanh thanh, ngọt ngọt, nhắc đến thôi là đã thấy thèm rồi.

chè mít đác

Chè mít đác là sự kết hợp hoàn hảo những giá trị dinh dưỡng của mít và hạt đác: Mít giúp bổ sung vitamin A, C cho cơ thể còn trong hạt đác có nhiều canxi và chất xơ, giúp da săn chắc và không bị nổi mụn. Do đó, chè mít đác là một lựa chọn hoàn hảo cho ngày hè vì vừa lành mạnh lại vừa giải nhiệt, thanh lọc cho cơ thể.

Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng:

  • 200 gam mít (lột bỏ hạt)
  • 200 gam hạt đác (loại đã tách vỏ)
  • 200 ml sữa tươi
  • 300 gam đường phèn
  • 100 gam cùi dừa
  • 100 gam bột năng
  • Thạch dừa (số lượng tùy ý)
  • Dụng cụ: Nồi, dao nạo dừa, ly/chén,…

Cách nấu chè mít đác:

Mít đã lột bỏ hạt, thái nhỏ thành miếng dạng sợi vừa ăn

Trộn bột năng với nước nóng, thêm vào một ít muối, nhào đều tay cho đến khi bột thành một khối dai, mịn.

Cùi dừa bào nhuyễn hoặc xắt thành ô vuông hình hạt lựu rồi bọc bột năng bên ngoài vo thành viên nhỏ như hạt trân châu.

Cho các hạt này vào nước đã đun sôi, nấu đến khi các hạt nổi lên thì vớt ra cho vào nước lạnh.

Trộn sữa và nước cốt dừa cho vào ngăn mát tủ lạnh 8 – 10 tiếng

Thạch dừa cắt thành miếng nhỏ vừa ăn

Giờ thì chỉ cần cho mít, hạt đác, trân châu, dừa nạo, đá bào vào bát và rưới hỗn hợp sữa tươi, nước cốt dừa lên là đã có ngay món chè mít đác mát lạnh mùa hè rồi.

chè mít đác

Lưu ý khi làm chè mít đác:

Người xưa có câu “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”, chính vì vậy để món chè mít đác ngọt ngọt, thanh thanh đúng điệu thì nhất thiết phải dùng đường phèn thay vì đường cát.

Một lưu ý nhỏ nữa là mít sử dụng nên là mít thái hoặc mít dai để đảm bảo sự dai, dòn cho món ăn bạn nhé!

chè mít đác

Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè mít đác:

Chè mít đác nêm nếm vừa ăn, đảm bảo vị ngọt thanh, không quá nhạt hoặc quá ngọt.

Muốn cho món chè mít đác thêm phần bắt mắt, bạn có thể trang trí thêm một vài chiếc lá dứa – nhìn là thấy xanh mát muốn làm ngay một bát rồi.

5. Chè bưởi

Cùi bưởi (phần dùng nấu chè bưởi) có chứa khoảng 2% pectin – một loại chất xơ, tan trong nước, làm tăng độ nhớt của máu. Đậu xanh lại có nhiều chất chống oxi hóa, chất xơ và nhiều vitamin C, E, B,…

chè bưởi

Chính vì vậy, chè bưởi là sự kết hợp hoàn hảo giúp kích thích hệ tiêu hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ, đồng thời, bổ sung các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể.

Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè bưởi:

  • Cùi bưởi (2 trái)
  • 400 gam đường phèn
  • 200 gam bột năng
  • 400 gam đậu xanh không vỏ
  • 200 ml nước cốt dừa
  • 50 gam dừa sấy
  • Dụng cụ: dao, nồi, tô, ly,…
  • chè bưởi

Cách nấu chè bưởi:

Cùi bưởi gọt bỏ phần xanh, phần trắng cắt ô vuông hình hạt lựu rồi đem ngâm nước muối loãng. Ngâm 3-4 lần: lần đầu nên ngâm khoảng 90 phút, vớt ra vắt sạch nước rồi lại ngâm tiếp trong 45 phút/lần.

Đun nước sôi rồi cho cùi bưởi vào luộc cho đến khi cùi bưởi nổi lên thì vớt ra, vắt khô.

Trộn cùi bưởi với đường ủ khoảng 30 phút rồi bắc lên chảo sên cho đến khi cùi bưởi chuyển sang trong suốt thì cho bột năng vào trộn đều.

Đậu xanh ngâm qua đêm, vớt ra để ráo nước.

Đun sôi nước luộc cùi bưởi, cho đậu xanh vào nấu đến khi chín đến vừa ăn thì cho hỗn hợp cùi bưởi đã sên vào nồi, đun 5-7 phút là bạn đã có một nồi chè bưởi ngon đúng điệu.

chè bưởi

Cách làm nước cốt dừa: cho 200 ml nước cốt dừa cùng 7 gam bột năng vào đun sôi, khuấy đều đến khi sệt lại thì cho vani vào. Công thức làm nước cốt dừa này có thể áp dụng với các loại chè cần nước dừa nhé các bạn!

Cho đá bào, chè bưởi, nước cốt dừa và dừa sấy vào là đã có ngay một ly chè bưởi thơm ngon, bổ dưỡng ngày hè rồi.

Lưu ý khi làm chè bưởi:

Phải ngâm cùi bưởi (đã cắt hạt lựu) trong nước muối loãng ít nhất 2 lần để làm mất vị đắng của cùi bưởi

Đậu xanh cần được nấu chín rồi mới cho cùi bưởi vào

Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè bưởi:

Việc khử đắng cùi bưởi là điều kiện tiên quyết làm nên thành công của món chè bưởi. Cùi bưởi vừa dai vừa dòn cùng với đậu xanh bùi bùi, nước chè sền sệt thì món chè bưởi của bạn đã “chuẩn không cần chỉnh” rồi đó

Chè bưởi chỉ cần cho vào ly, rưới nước dừa, sau đó cho dừa khô lên là đủ bắt mắt và muốn ăn ngay rồi phải không nào?

6. Chè Thái

Giá trị dinh dưỡng của chè Thái:

Với sự kết hợp của nhiều loại trái cây, chè thái là món giúp bổ sung nguồn vitamin, chất xơ quan trọng. Hơn nữa, vị béo ngậy của sầu riêng và nước cốt dừa ngọt thanh thanh của mít, vải, xoài chắc chắn sẽ khiến bạn không thể nào cưỡng lại phải không nào?

chè thái

Nguyên liệu và các dụng cụ cần dùng để nấu chè Thái:

  • 200 gam mít (đã bỏ vỏ)
  • 200 gam vải đã lột vỏ bỏ hạt
  • 1 quả xoài chín
  • 1 múi sầu riêng
  • 50 gam bột rau câu
  • 500 gam thạch dừa
  • 300 gam đường phèn
  • 100 ml nước cốt dừa
  • 180 ml sữa tươi
  • Nước cốt lá dứa
  • Dừa nạo
  • Đá bào
  • chè thái

Cách nấu chè Thái

Mít thái sợi nhỏ vừa ăn, xoài chín gọt vỏ, cắt phần thịt thành ô vuông

Trộn bột rau câu với 50 gam đường phèn, nước cốt lá dứa khuấy đều trong nước nguội rồi đun sôi. Nhớ vớt bọt ra các bạn nhé! Sau khi sôi 5 phút thì đổ ra khuôn để nguội, thái ô vuông cho vừa ăn.

Sầu riêng xay nhuyễn, để vào ngăn mát tủ lạnh (đây là linh hồn của món chè thái nhưng nếu bạn không ăn được thì có thể bỏ qua bước này nhé)

Về phần nước cốt dừa, bạn làm tương tự như đối với chè bưởi nhé

Cho mít, xoài, vải, thạch rau câu, sầu riêng và đá bào vào cốc. Rưới nước cốt dừa lên trên là bạn có ngay ly chè Thái ngon mát lành ngày hè.

chè thái

Lưu ý khi nấu chè Thái

Muốn rau câu ngon hơn, ngọt hơn bạn có thể nấu chung với nước dừa nhé

Đối với vải, sau khi lột vỏ, bạn nên ngâm trong nước đá lạnh để tránh bị thâm

Nên chọn loại xoài ít bị xơ để món chè thêm phần hoàn hảo

Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè Thái:

Chè ngon ngọt, vừa ăn. Tùy theo sở thích mà bạn có thể cho các thành phần nhiều hay ít. Là một món ăn đơn giản nên các bạn chỉ cần cho tất cả vào ly kèm thêm đá bào, rải một ít dừa nạo lên trên là có ngay ly chè “chuẩn Thái” rồi bạn nhé!

7. Chè khúc bạch

Giá trị dinh dưỡng của chè khúc bạch:

Chè khúc bạch giúp giải nhiệt cho cơ thể với thành phần khúc bạch ngầy ngậy, hạnh nhân dòn rụm và vải thơm thơm chắc chắn sẽ làm nhiều tín đồ “hảo ngọt ngất ngây. Nhưng nhiều chuyên gia khuyến cáo không nên ăn quá nhiều loại chè này vì sẽ dung nạp vào cơ thể một lượng bột đông gelatin quá mức cho phép.

chè khúc bạch

Nguyên liệu và dụng cụ cần dùng để làm chè khúc bạch:

  • 200 ml sữa tươi
  • 200 ml kem sữa tươi
  • 15 gam bột gelatin (bột đông)
  • 100g đường phèn
  • 2g bột trà xanh
  • 20g hạnh nhân lát
  • Vải lột vỏ bỏ hạt
  • 6 Lá dứa (lá nếp)

Cách nấu chè khúc bạch

Làm thạch kem sữa: (tối thiểu trước 4 tiếng)

  • Hòa tan 100 ml sữa tươi với 5 gam bột gelatin cho bột nở ra. Sau đó cho sữa tươi và kem sữa vào khuấy đều. Thêm khoảng 50 gam đường vào khuấy đều.
  • Chia hỗn hợp vừa trộn thành nhiều phần: trộn với màu tự nhiên hoặc màu thực phẩm để tạo ra các hạt thạch nhiều màu sắc.
  • Đem các hỗn hợp hấp cách thủy (để riêng theo màu), cho thêm bột gelatin vào khuấy tan.
  • Dùng rây đổ hỗn hợp vừa hấp cách thủy ra khuôn, chờ nguội rồi đem bỏ ngăn mát tủ lạnh 3-4 tiếng.
  • chè khúc bạch

Nấu nước chè khúc bạch:Đun 1 lít nước với 90 gam đường phèn, nước sôi thì cho lá dứa vào rồi tắt bếp

Cắt thạch thành miếng vừa ăn, hạnh nhân rang vàng chín tới

Cho hỗn hợp thạch, vải, nước đường, đá bào và thưởng thức ngay bát chè khúc bạch thanh mát thôi!

Lưu ý khi làm chè khúc bạch:

Dùng đường phèn thay vì đường cát để nước ngọt thanh mát

Cho lượng bột gelatin vừa đủ để thạch vừa ăn và không gây độc cho cơ thể

Yêu cầu thành phẩm và cách trang trí chè khúc bạch:

Để chè khúc bạch vừa ngon vừa đẹp mắt thì thạch cần được cắt thành miếng vừa ăn và đều nhau. Hạnh nhân rang vừa chín tới và vải không bị thâm. Có như vậy thì khi cho các thành phần vào bát là có ngay ly chè ngon, bổ, mát rồi nhé!

8. Chè bắp nước cốt dừa

Chè bắp nước cốt dừa được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon khó cưỡng. Chén chè khá đẹp mắt với những hạt bắp vàng ươm, vị giòn ngọt hấp dẫn, nước chè hơi đặc, vị ngọt dịu và thoang thoảng mùi bắp thơm, kết hợp với nước cốt dừa béo ngậy, không chỉ ngon mà còn nhiều dưỡng chất.

chè bắp cốt dừa

Nguyên liệu nấu chè bắp nước cốt dừa:

  • Bắp tươi: 3 bắp
  • Đường cát trắng: 1 chén
  • Bột sắn dây: 3 muỗng canh
  • Muối trắng
  • Nước cốt dừa: 200ml
  • Mè rang: 1 muỗng cà phê

Cách làm chè bắp nước cốt dừa:

Bắp sau khi mua về bạn bóc bớt lớp vỏ ngoài, vẫn giữ lại lớp vỏ trong (để khi luộc sẽ giúp nước luộc thơm và ngọt), đem bắp đi rửa sạch với nước.

Chuẩn bị một cái nồi lớn, xếp bắp vào nồi rồi đổ nước lọc vào (lượng nước đủ để ngập bắp) bật bếp nấu cho đến khi bắp chín. Lưu ý, bạn chỉ nên luộc cho bắp chín tới là được, nếu luộc kỹ quá bắp sẽ bị nát, gây khó khăn cho việc sơ chế tiếp theo.

Khi bắp đã chín, bạn vớt ra để nguội, phần nước luộc bắp giữ nguyên.

Để nấu chè bắp bạn phải tách hạt bắp ra khỏi lõi. Nếu muốn nấu chè bắp nguyên hạt, bạn dùng tay tách từng hạt bắp, cách này sẽ lâu nhưng lại cho ra thành phẩm món ăn đẹp mắt. Nếu muốn nhanh hơn, bạn dùng dao bào gọt hết phần hạt bắp ra ngoài, giữ lại phần lõi.

chè bắp cốt dừa lá dứa

Phần lõi bắp bạn cho lại vào nồi nước luộc vừa nãy, thêm nước lọc vào (sao cho lượng nước trong nồi đủ để nấu chè), bật bếp nấu liu riu cho đến khi nước có vị ngọt hấp dẫn thì tắt bếp, thời gian nấu khoảng 25 – 30 phút. Dùng đũa vớt hết lõi bắp, vỏ bắp và râu bắp ra ngoài, đợi cho lắng cặn thì lọc qua rây để lấy phần nước trong nấu chè. Bí quyết giúp món chè bắp có vị ngọt tự nhiên và hương thơm thoang thoảng chính là ở bước này.

Sau khi lọc phần nước luộc bắp, bạn cho phần hạt đã tách riêng ở bước 2 vào trong nồi nước luộc, bắc lên bếp nấu cho đến khi bắp chín mềm. Lưu ý là để lửa nhỏ liu riu, nấu khoảng 20 phút nữa cho hạt bắp chín mềm, khi nấu hãy cho thêm chút đường và chút muối, làm như vậy sẽ giúp món chè đậm đà hơn.

Khi bắp đã chín mềm, bạn nêm nếm lượng đường vừa ăn.

Bột sắn dây đổ vào một cái chén nhỏ, thêm nước đun sôi để nguội rồi hòa tan hoàn toàn. Từ từ đổ bột sắn dây vào nồi, vừa đổ vừa dùng muôi khuấy đều trong vài phút cho đến khi bột sắn chuyển sang màu trong suốt, đồng thời tạo độ sánh đặc cho món chè. Bước này bạn phải làm thật khéo để tránh bột sắn dây bị vón cục, như vậy chè sẽ mất ngon và có thể bị hỏng. Cuối cùng, tắt bếp rồi múc ra chén, để nguội.

Bạn múc chè ra chén hoặc ly tùy ý, rưới thêm chút nước cốt dừa và rắc mè rang (hoặc đậu phộng rang giã dập lên trên) rồi thưởng thức. Bạn cũng có thể thêm chút dừa nạo để ăn cùng.

Trên đây là tổng hợp cách nấu những món chè ngon vừa nhiều dinh dưỡng lại thanh mát, nhất là với những ngày hè nóng nực. Còn chần chừ gì nữa, các bạn hãy cũng vào bếp và thử tùng công thức cách nấu mỗi loại chè để chiêu đãi cả gia đình nhé. Chúc các bạn thành công! Các bạn hãy ghé qua gian hàng Minhhouseware để rinh thêm các sản phẩm nhà bếp của căn bếp của gia đình bạn nhé!

 

Đánh giá post